Thuật ngữ tố tụng dân sự 15

APPELANT (n)                      : người kháng cáo.

Nghị quyết 05/2006/NQ-HĐTP của HĐTP TANDTC khi hướng dẫn áp dụng điều 243 BLTTDS liệt kê các người đã xác nhận các đương sự trong vụ án dân sự về mặt nguyên tắc nếu có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng đều có thể tự mình hay ủy quyền cho người khác kháng cáo bản án hay quyết định (quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án dân sự) của Tòa án cấp sơ thẩm trừ các bản án, quyết định về ly hôn thì không thể ủy quyền (phần I điểm 1 tiểu điểm 1.1, 1.2 và 1.4)- xem Représentant (tập II).

Giải thích nguyên tắc trên Nghị quyết 05/2006/NQ-HĐTP nói trên đã chỉ rõ:

1. Trong trường hợp đương sự là người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi không mất năng lực hành vi dân sự, không bị hạn chế năng lực hành vi dân sự đã tham gia lao động theo hợp đồng lao động hoặc giao dịch dân sự bằng tài sản riêng của mình là đương sự trong vụ án về tranh chấp có liên quan đến hợp đồng lao động hoặc giao dịch dân sự đó thì có thể tự mình làm đơn kháng cáo (phần I điểm 1 tiểu điểm 1.3).

2. Nếu đương sự là cơ quan, tổ chức thì việc ký đơn kháng cáo được thực hiện bởi người đại diện theo pháp luật của cơ quan tổ chức đó (phần I điểm 1 tiểu điểm 1.5 và 1.7) .

3. Nếu đương sự là người chưa thành niên (trừ trường hợp nói ở điểm 1 trên), người mất hay bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì người đại diện theo pháp luật của họ có thể đứng ký đơn kháng cáo (phần I điểm 1 tiểu điểm 1.6).

Cần chú ý là việc ủy quyền- xem Mandat (tập I)- Représentant/Représentant en matière de procédure civile (tập II) được nói ở trên phải được làm bằng văn bản có công chứng, chứng thực hợp pháp trừ văn bản ủy quyền đó được lập tại Tòa án có sự chứng kiến của Thẩm phán hoặc cán bộ được Chánh án Tòa án phân công (phần I điểm 1 tiểu điểm 1.8).

Người kháng cáo có thể là nguyên đơn, bị đơn hay người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Phía bị kháng cáo là Intimé- xem từ liên quan (tập II).

APPELANT (adj)                    : thuộc về kháng cáo.

Partie appelante                     : bên kháng cáo- xem Appelant (tập II).

APPELER (v)

1.   Triệu tập.

Appeler qqn en témoignage:   gọi người nào đó ra tòa làm chứng.

2.   Kháng cáo.

Appeler d’un jugement (v)     : kháng cáo một bản án, chống một bản án theo thủ tục phúc thẩm.

APPLICABILITÉ (n)             :  tính có thể áp dụng (một văn bản luật).

APTITUDE (n)                       : đủ tư cách.

Aptitude à recevoir legs         : đủ tư cách để nhận tài sản di tặng.

Aptitude à succéder                : đủ tư cách để thừa kế.

ARBITRAGE (n)                    : trọng tài (phương thức).

Phương thức này thường được các bên thỏa thuận và ghi trong hợp đồng theo đó nếu có tranh chấp trong việc thực hiện hợp đồng hai bên đồng thuận sẽ nhờ đến một người thứ ba- một Trọng tài viên- đứng ra phân xử. Phương thức trọng tài thường được xử dụng trong luật thương mãi vì quyết định đưa ra sẽ được giữ kín.

Arbitrage ad hoc                    : trọng tài vụ việc.

Trọng tài vụ việc là hình thức trọng tài giải quyết các tranh chấp theo quy định của LTTTM 2010 và theo trình tự, thủ tục do họ thoả thuận.

Arbitrage commercial                        : trọng tài thương mại.

Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại; tranh chấp sịnh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại hoặc các tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng trọng tài (điều 2 LTTTM 2010). Như vậy có 2 điểm cần lưu ý:

– Phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận;

– Trình tự, thủ tục tố tụng giải quyết theo quy định về trọng tài chứ không do BLTTDS điều chỉnh áp dụng.

Arbitrage institutionnel          : trọng tài quy chế.

Trọng tài quy chế là hình thức giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm Trọng tài và theo quy tắc tố tụng của LTTTM 2010 và của Trung tâm Trọng tài đó.

Conditions de règlement d’un litige par voie d’arbitrage : điều kiện giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.

Điều 5 LTTTM 2010 quy định các điều kiện giải quyết tranh chấp bằng trọng tài như sau:

1. Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thỏa thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.

2. Trường hợp một bên tham gia thoả thuận trọng tài là cá nhân chết hoặc mất năng lực hành vi, thoả thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với người thừa kế hoặc người đại diện theo pháp luật của người đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.

3. Trường hợp một bên tham gia thỏa thuận trọng tài là tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức, thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với tổ chức tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của tổ chức đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.

Frais d’arbitrage                    : phí trọng tài.

Phí trọng tài là khoản thu từ việc cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài. Theo điều 34 LTTM 2010 phí trọng tài gồm:

1. Thù lao Trọng tài viên, chi phí đi lại và các chi phí khác cho Trọng tài viên;

2. Phí tham vấn chuyên gia và các trợ giúp khác theo yêu cầu của Hội đồng trọng tài;

3.  Phí hành chính;

4. Phí chỉ định Trọng tài viên vụ việc của Trung tâm trọng tài theo yêu cầu của các bên tranh chấp;

5. Phí sử dụng các dịch vụ tiện ích khác được cung cấp bởi Trung tâm trọng tài;

Phí trọng tài do Trung tâm trọng tài ấn định. Trường hợp vụ tranh chấp được giải quyết bởi Trọng tài vụ việc, phí trọng tài do Hội đồng trọng tài ấn định. Bên thua kiện phải chịu phí trọng tài trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc quy tắc tố tụng trong tài quy định khác hoặc Hội đồng trọng tài có sự phân bổ khác.

Langue d’arbitrage                : ngôn ngữ (sử dụng trong tố tụng) trọng tài.

1. Đối với tranh chấp không có yếu tố nước ngoài, ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài là tiếng Việt, trừ trường hợp tranh chấp mà ít nhất một bên là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trường hợp bên tranh chấp không sử dụng được tiếng Việt thì được chọn người phiên dịch ra tiếng Việt.

2. Đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài, tranh chấp mà ít nhất một bên là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên không có thỏa thuận thì ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài do Hội đồng trọng tài quyết định.

Lieu d’arbitrage                     : địa điểm (tổ chức, tiến hành) trọng tài.

1. Các bên có quyền thỏa thuận địa điểm giải quyết tranh chấp. Trường hợp không có thỏa thuận thì Hội đồng trọng tài quyết định. Địa điểm giải quyết tranh chấp có thể ở trong lãnh thổ Việt Nam hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam.

2. Trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác, Hội đồng trọng tài có thể tiến hành phiên họp tại địa điểm được xem là thích hợp cho việc trao đổi ý kiến giữa các thành viên của Hội đồng trọng tài, việc lấy lời khai của người làm chứng, tham vấn ý kiến các chuyên gia hoặc tiến hành việc giám định hàng hoá, tài sản hoặc tài liệu khác.

Centre d’arbitrage                 : Trung tâm trọng tài.

Trung tâm trọng tài là tổ chức được thành lập có các chức năng tổ chức, điều phối hoạt động giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài quy chế và hỗ trợ Trọng tài viên về các mặt hành chính, văn phòng và các trợ giúp khác trong quá trình tố tụng trọng tài.

Conseil d’arbitrage                : Hội đồng trọng tài.

Hội đồng trọng tài được thành lập nhằm giải quyết các tranh chấp theo đúng trình tự của LTTTM 2010. Thành phần Hội đồng trọng tài có thể bao gồm một hoặc nhiều Trọng tài viên theo sự thỏa thuận của các bên. Trường hợp các bên không có thỏa thuận về số lượng Trọng tài viên thì Hội đồng trọng tài bao gồm ba Trọng tài viên.

Convention d’arbritage          : thỏa thuận trọng tài.

Thỏa thuận trọng tài là thỏa thuận giữa các bên cam kết giải quyết bằng trọng tài các vụ tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh trong hoạt động thương mại.

Forme de la convention d’arbitrage : hình thức của thỏa thuận trọng tài.

Điều 16 LTTTM 2010 buộc thỏa thuận trọng tài phải được lập bằng văn bản. Tuy nhiên các hình thức thỏa thuận cũng được xem là xác lập dưới hình thức văn bản:

1. Thoả thuận được xác lập qua trao đổi giữa các bên bằng telegram, fax, telex, thư điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật;

2. Thỏa thuận được xác lập thông qua trao đổi thông tin bằng văn bản giữa các bên;

3. Thỏa thuận được luật sư, công chứng viên hoặc tổ chức có thẩm quyền ghi chép lại bằng văn bản theo yêu cầu của các bên;

4. Trong giao dịch các bên có dẫn chiếu đến một văn bản có thể hiện thỏa thuận trọng tài như hợp đồng, chứng từ, điều lệ công ty và những tài liệu tương tự khác;

5. Qua trao đổi về đơn kiện và bản tự bảo vệ mà trong đó thể hiện sự tồn tại của thoả thuận do một bên đưa ra và bên kia không phủ nhận.

Nullité de la convention d’arbitrage : sự vô hiệu của thỏa thuận trọng tài.

Theo điều 18 LTTTM 2010 thỏa thuận trọng tài vô hiệu trong những trường hợp sau đây:

1. Tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của Trọng tài- xem Arbitrage (tập II);

2. Người xác lập thỏa thuận trọng tài không có thẩm quyền ký kết theo quy định của pháp luật;

3. Người xác lập thỏa thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

4. Hình thức của thỏa thuận không phù hợp với quy định của LTTTM 2010- xem Arbitrage/Convention d’arbitrage (tập II).

5. Một trong các bên bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép trong quá trình xác lập thỏa thuận trọng tài và có yêu cầu tuyên bố thỏa thuận trọng tài đó vô hiệu;

6. Thỏa thuận trọng tài vi phạm điều cấm của pháp luật.

ARBITRAL (adj)                    : trọng tài.

Jugement arbitral                   : phán quyết trọng tài.

Theo điều 60 và 61 LTTTM 2010 Hội đồng trọng tài ra phán quyết trọng tài bằng cách biểu quyết theo nguyên tắc đa số. Trường hợp biểu quyết không đạt được đa số thì phán quyết trọng tài được lập theo ý kiến của Chủ tịch Hội đồng trọng tài. Phán quyết trọng tài phải được lập bằng văn bản và có các nội dung chủ yếu sau đây:

– Ngày, tháng, năm và địa điểm ra phán quyết;

– Tên, địa chỉ của nguyên đơn và bị đơn;

– Họ, tên, địa chỉ của Trọng tài viên;

– Tóm tắt đơn khởi kiện và các vấn đề tranh chấp;

– Căn cứ để ra phán quyết, trừ khi các bên có thoả thuận không cần nêu căn cứ trong phán quyết;

– Kết quả giải quyết tranh chấp;

– Thời hạn thi hành phán quyết;

– Phân bổ chi phí trọng tài và các chi phí khác có liên quan;

– Chữ ký của Trọng tài viên. Khi có Trọng tài viên không ký tên vào phán quyết trọng tài, Chủ tịch Hội đồng trọng tài phải ghi việc này trong phán quyết trọng tài và nêu rõ lý do. Trong trường hợp này, phán quyết trọng tài vẫn có hiệu lực.

Phán quyết trọng tài được ban hành ngay tại phiên họp hoặc chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày kết thúc phiên họp cuối cùng và phải được gửi cho các bên ngay sau ngày ban hành. Các bên có quyền yêu cầu Trung tâm trọng tài hoặc Hội đồng trọng tài vụ việc cấp bản sao phán quyết trọng tài. Phán quyết trọng tài là chung thẩm và có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

Principe de règlement arbitral des litiges/ Principe de règlement des litiges par voie d’arbitrage                          : nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.

Theo điều 4 LTTTM 2010 khi giải quyết các tranh chấp theo phương thức trọng tài thì:

1. Trọng tài viên phải tôn trọng thoả thuận của các bên nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm và trái đạo đức xã hội. Trọng tài viên phải độc lập, khách quan, vô tư và tuân theo quy định của pháp luật.

2. Các bên tranh chấp đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Hội đồng trọng tài có trách nhiệm tạo điều kiện để họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.

4. Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác và phán quyết trọng tài là chung thẩm- xem Arbitral/Jugement arbitral (tập II).

ARBITRE (n)                         : trọng tài viên.

Trọng tài viên là người hội đủ các tiêu chuẩn và điều kiện theo LTTTM 2010 và được các bên lựa chọn hoặc được Trung tâm trọng tài hoặc Tòa án chỉ định để giải quyết tranh chấp theo quy định của Luật này. Khi thực hiện nhiệm vụ, Trọng tài viên có những quyền và nghĩa vụ cơ bản sau:

1. Chấp nhận hoặc từ chối giải quyết tranh chấp;

2. Độc lập và vô tư trong việc giải quyết tranh chấp cũng như tuân thủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp;

3. Từ chối cung cấp các thông tin liên quan đến vụ tranh chấp;

4. Giữ bí mật nội dung vụ tranh chấp mà mình giải quyết, trừ trường hợp phải cung cấp thông tin cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Changement d’arbitre                        : thay đổi trọng tài viên.

Trọng tài viên phải từ chối giải quyết tranh chấp hoặc các bên có quyền yêu cầu thay đổi Trọng tài viên giải quyết tranh chấp trong các trường hợp sau đây:

– Trọng tài viên là người thân thích hoặc là người đại diện của một bên;

– Trọng tài viên có lợi ích liên quan trong vụ tranh chấp;

– Có căn cứ rõ ràng cho thấy Trọng tài viên không vô tư, khách quan;

– Đã là người hòa giải, người đại diện, luật sư của bất cứ bên nào trước khi đưa vụ tranh chấp đó ra giải quyết tại trọng tài, trừ trường hợp được các bên chấp thuận bằng văn bản.

Thực hiện nguyên tắc trên, kể từ khi được chọn hoặc được chỉ định, Trọng tài viên phải thông báo bằng văn bản cho Trung tâm trọng tài hoặc Hội đồng trọng tài và các bên về những tình tiết có thể ảnh hưởng đến tính khách quan, vô tư của mình. Khi có sự từ chối hoặc có yêu cầu thay đổi Trọng tài viên; việc thay đổi Trọng tài viên được thực hiện như sau:

– Đối với vụ tranh chấp được giải quyết tại Trung tâm trọng tài, nếu Hội đồng trọng tài chưa được thành lập, việc thay đổi Trọng tài viên do Chủ tịch Trung tâm trọng tài quyết định. Nếu Hội đồng trọng tài đã được thành lập, việc thay đổi Trọng tài viên do các thành viên còn lại của Hội đồng trọng tài quyết định. Trong trường hợp các thành viên còn lại của Hội đồng trọng tài không quyết định được hoặc nếu các Trọng tài viên hay Trọng tài viên duy nhất từ chối giải quyết tranh chấp, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quyết định về việc thay đổi Trọng tài viên.

– Đối với vụ tranh chấp do Hội đồng trọng tài vụ việc giải quyết, việc thay đổi Trọng tài viên sẽ do các thành viên còn lại của Hội đồng trọng tài quyết định. Trong trường hợp các thành viên còn lại của Hội đồng trọng tài không quyết định được hoặc nếu các Trọng tài viên hay Trọng tài viên duy nhất từ chối giải quyết tranh chấp, thì trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của một hoặc các Trọng tài viên nói trên, của một hoặc các bên tranh chấp, Chánh án Toà án có thẩm quyền phân công một Thẩm phán quyết định về việc thay đổi Trọng tài viên.

ARBITRER (v)                       : làm trọng tài.

Luật sư TÔN THẤT  QUỲNH BẰNG

About luatsuquynhbang

Nghề Luật là người tình ...đã trót thương là nghiệp ...đã trót mang
Bài này đã được đăng trong Uncategorized. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

2 Responses to Thuật ngữ tố tụng dân sự 15

  1. Lê Lâm nói:

    thuật ngữ người thừa kế quyền và nghĩa vụ tố tụng trong luật của Pháp là gì vậy Ls?

Bình luận về bài viết này