VẤN ĐỀ KẾT HÔN TRÁI PHÁP LUẬT (tt)

YÊU CẦU HỦY KẾT HÔN TRÁI PHÁP LUẬT

Hôn nhân trái pháp luật sẽ bị Toà án tuyên hủy khi có yêu cầu. Yêu cầu huỷ kết hôn trái pháp luật phải được thực hiện đúng theo những quy định của luật hình thức lẫn luật nội dung đối với từng trường hợp. Tuy cũng nhằm chấm dứt quan hệ hôn nhân nhưng trái với ly hôn huỷ việc kết hôn trái pháp luật là biện pháp chế tài của LHNGĐ 2000 đối với các trường hợp kết hôn vi phạm điều cấm.

I. Người có quyền yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật

Tương tự như BLDS Pháp quy định trường hợp nào thì mỗi một chủ thể được quyền yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật (44) LHNGĐ 2000 tại điều 15 đã liệt kê những người có quyền yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật và phân biệt:

1.         Đối với yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật do vi phạm độ tuổi luật định

Vợ, chồng, cha, mẹ của người kết hôn; Viện Kiểm sát; Ủy ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em; Hội Liên hiệp Phụ nữ được trực tiếp yêu cầu Tòa án hủy kết hôn trái pháp luật theo quy định của pháp

luật về tố tụng dân sự. Như vậy trong trường hợp này người vi phạm độ tuổi kết hôn không thể tự mình yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật.

2.         Đối với yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật do vi phạm độ nguyên tắc tự nguyện kết hôn

Bên bị cưỡng ép, bị lừa dối kết hôn được trực tiếp yêu cầu Tòa án hủy kết hôn trái pháp luật theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

3.         Đối với yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật do vi phạm nguyên tắc một vợ một chồng

Vợ, chồng, cha, mẹ, con của người kết hôn; Viện kiểm sát; Ủy ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em; Hội Liên hiệp Phụ nữ được trực tiếp yêu cầu Tòa án hủy kết hôn trái pháp luật theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

4.         Đối với yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật do người kết hôn không có năng lực hành vi dân sự; do vi phạm quan hệ huyết thống và thân thích; do vi phạm về giới tính

Vợ, chồng, cha, mẹ, con của người kết hôn; Viện kiểm sát; Ủy ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em; Hội Liên hiệp Phụ nữ được trực tiếp yêu cầu Tòa án hủy kết hôn trái pháp luật theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Ghi chú: Những cá nhân, cơ quan tổ chức nêu trên nếu không trực tiếp yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật thì cũng có quyền đề nghị Viện kiểm sát thay mặt thực hiện quyền yêu cầu này trước Tòa án.

Có tác giả cho rằng nếu theo quy định tại điều 15 LHNGĐ 2000 thì “Viện kiểm sát theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền yêu cầu toà án huỷ việc kết hôn trái pháp luật” trong một số trường hợp như đã phân tích trên; nhưng điều 21 khoản 1 BLTTDS lại quy định: “Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo việc giải quyết các vụ việc dân sự kịp thời, đúng pháp luật” nhưng không chỉ rõ quyền yêu cầu của Viện kiểm có bao gồm quyền yêu cầu giải quyết việc dân sự nói chung hay không để có thể thực hiện quyền yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật? Nếu căn cứ vào Thông tư liên tịch số 03/2005/TTLT – VKSNDTC-TANDTC ngày 1/9/2005 hướng dẫn thi hành một số quy định của BLTTDS về kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự và sự tham gia của Viện kiểm sát trong việc giải quyết vụ việc dân sự thì ta có thể hiểu quyền yêu cầu của Viện kiểm sát đối với tòa án đối với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo chứ không phải quyền yêu cầu tòa án giải quyết việc dân sự.

Vì vậy kể từ ngày 01/01/2005 (ngày bắt đầu có hiệu lực của BLTTDS) Viện kiểm sát hết quyền yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật ? (45).

Luật sư TÔN THẤT QUỲNH BẰNG

 (44) Điều 180 BLDS chỉ cho phép người vợ/chồng không tự nguyện kết hôn hoặc có sự nhầm lẫn về người hoặc về tư cách chủ yếu của người kia mới có yêu cầu hủy việc kết hôn đối với các vi phạm liên quan; điều 184 BLDS cho phép vợ, chồng, tất cả những người có quyền lợi liên quan hoặc Viện Công tố có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn đối với các vi phạm liên quan đến “độ tuổi kết hôn, nguyên tắc một vợ một chồng; quan hệ huyết thống hay thân thuộc”

(45) “Những vấn đề trao đổi từ thực tiễn giải quyết việc hôn nhân gia đình” của Nguyễn Minh Hằng và Nguyễn Minh Hiếu- Tạp chí nghiên cứu lập pháp… đăng lại tại http://thongtinphapluatdansu.wordpress.com/2008/01/15/21324/

About luatsuquynhbang

Nghề Luật là người tình ...đã trót thương là nghiệp ...đã trót mang
Bài này đã được đăng trong Uncategorized. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

3 Responses to VẤN ĐỀ KẾT HÔN TRÁI PHÁP LUẬT (tt)

  1. tiramisu nói:

    Luật sư có thể cho em biết điểm giống avf khác nhau giữa kết hôn trái pháp luật và không công nhận quan hệ vợ chồng không ạ? Em cảm ơn

    • BẠN CÓ THẺ THAM KHẢO Ở ĐIỂM 2 NGHỊ QUYẾT 02/2000/NQ-HĐTP NGÀY 23/12/2000 CỦA HỘI ĐỒNG THÂM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

      • tiramisu nói:

        Dạ, em cảm ơn luật sư rất nhiều.
        Luật sư có thể cho em biết Pháp định hạn chế quyền định đoạt tài sản riêng của vợ chồng tại Khoản 5 Điều 33 Luật HNGĐ 2000 có trái với nguyên tắc đảm bảo quyền định đoạt về tài sản của con người ko ạ?

Bình luận về bài viết này