VẮN ĐỀ HỦY KẾT HÔN TRÁI PHÁP LUẬT (tt)

II. Thời hiệu yêu cầu huỷ kết hôn trái pháp luật

II.1. Nhận xét chung

Không như Bộ Dân luật Pháp được ghi nhận tại điều 180 và các điều kế tiếp trong phần được gọi là “Các yêu cầu xin tuyên bố vô hiệu hôn thú” có nói đến thời hiệu của việc hành sử quyền này (46); LHNGĐ 2000 sau khi liệt kê những ai có thể hành sử quyền yêu cầu xin hủy việc kết hôn trái pháp luật lại không đưa ra một hạn kỳ nhất định cho yêu cầu này. Về mặt lý luận phù hợp với lợi

ích xã hội lẫn lợi ích cá nhân thì việc hành sử yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật nếu vi phạm điều 10 LHNGĐ 2000 tại điểm 1 (vi phạm chế độ 1 vợ 1 chồng), điểm 3 (giữa những người cùng dòng máu trực hệ, những người có họ trong phạ vi ba đời), điểm  4 (giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa những người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rễ, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng), điểm 5 (giữa những người cùng giới tính) thiết nghĩ có thể hành sử bất cứ lúc nào vì nó mang tính khách quan “trật tự công cộng- trật tự chung” (Ordre public) và “vi phạm đạo đức xã hội” thì cơ sở hành sử yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật khác còn lại được quy định tại điều 9 (độ tuổi kết hôn, sự tự nguyện kết hôn) hay tại điều 10 điểm 2 (về mất năng lực hành vi dân sự) lại khó chấp nhận hành sử bất cứ lúc nào vì nó có tính chủ quan và chỉ liên quan đến vợ, chồng hoặc cả hai nhất là khi các thành tố vi phạm không còn tồn tại vì hai bên đã có một cuộc sống dài ngày và ổn định.

Luật phương Tây xem các trường hợp vô hiệu thứ nhất có tính cách tuyệt đối trong khi các trường hợp thứ hai chỉ là vô hiệu tương đối. Vì vậy khi đối chiếu với luật viết Việt Nam, điều này thật khó lý giải nếu việc hành sử quyền đề nghị hủy kết hôn trái pháp luật lại được hành sử bởi người thứ ba hay một cơ quan, tổ chức mà luật cho phép chứ không phải chính là người vợ hay người chồng nằm trong trường hợp nêu trên.

Tuy luật viết không có một điều khoản nào nói rõ về vấn đề thời hiệu nhưng ở góc độ hướng dẫn áp dụng một số quy định của LHNGĐ 2000, Nghị quyết  02/2000/NQ-HĐTP đã nêu cho ta thấy có một sự linh động trong vấn đề này khi Tòa án nhân dân tối cao lưu ý các cơ quan xét xử mỗi khi thụ lý giải quyết vụ việc. Các quy định tại mục 2 tiểu điểm d tiểu điểm d.1 và d.2 của Nghị quyết 02/2000 nói trên cho ta cảm nhận rằng trên cơ sở một cuộc chung sống bình thường và không phát sinh mâu thuẫn thì mỗi khi những vi phạm điều kiện kết hôn không tồn tại vào thời điểm có yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật (không còn ở độ tuổi chưa được kết hôn; đã có sự thông cảm về việc đã bị cưỡng bách kết hôn; việc kết hôn trước đã chấm dứt -ví dụ như đã có án ly hôn chung thẩm) thì không hủy việc kết hôn trái pháp luật. Nếu về sau giữa hai người sau một thời gian chung sống hòa thuận có phát sinh mâu thuẫn thì Tòa án thụ lý vụ án trên cơ sở các điều khoản quy định về ly hôn chứ không trên cơ sở của việc hủy kết hôn trái pháp luật. Với việc hướng dẫn trên, ta có cảm nhận rằng việc hủy kết hôn trái pháp luật sẽ không được nêu ra mỗi khi các điều kiện kết hôn bị vi phạm không còn nữa. Hướng dẫn này cho thấy nó tiếp cận với quy định của BLDS Pháp (47) và gần như đã gián tiếp đặt ra một thời hiệu cho yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật nếu vi phạm tính tự nguyện kết hôn cũng như độ tuổi kết hôn.

Với tinh thần đã nêu của Nghị quyết 02/2000; phải chăng cho thấy hình như Nhà giải thích-áp dụng luật (Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao) có khuynh hướng mềm dẽo trong việc áp dụng các quy định về hủy kết hôn trái pháp luật và phần nào thừa nhận/đồng hóa việc kết hôn như là một giao dịch dân sự giữa hai người như quan niệm của nhiều tác giả phương tây và tùy trường hợp giao dịch này vô hiệu tuyệt đối hay vô hiệu tương đối và dẫn đến việc giới hạn hay không giới hạn thời gian hành sử quyền đề nghị hủy kết hôn trái pháp luật.

II.2. Thời hiệu yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật

II.2.1. Tổng quát

Yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật là một quyền được thừa nhận cho “người sử dụng yêu cầu” trước Tòa án (điều 4 BLTTDS). Tuy nhiên trong thực tiễn thời hiệu sử dụng yêu cầu này không phải không đặt ra những vấn đề cần giải quyết. Vì yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật được luật tố tụng xếp vào “việc dân sự” và LHNGĐ 2000 không nói đến vấn đề thời hiệu nên phải quy chiếu vào quy định của BLTTDS (điều 159 khoản 4 BLTTDS).

Vì vậyvề nguyên tắc Toà án chỉ thụ lý giải quyết yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật trong thời hạn một năm, kể từ ngày quyền lợi của mình bị xâm hại và làm phát sinh quyền yêu cầu; sau thời hạn này tòa án sẽ không thụ lý giải quyết nữa ngoại trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (điều 28 khoản 1, điều 159 khoản 3 cũ BLTTDS)  vì trong thực tiễn người/tổ chức có quyền yêu cầu thật khó thuyết phục Tòa án ra quyết định hủy kết hôn trái pháp luật do có sự lừa dối hoặc cưỡng ép một khi cuộc sống chung đã được duy trì trong một thời gian dài. Quy định này về sau được sửa đổi bổ sung. Tuy vẫn giữ nguyên tắc là thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là một năm nhưng được kể từ ngày biết quyền lợi của mình bị xâm hại nhưng đối với các việc dân sự liên quan đến quyền dân sự về nhân thân cá nhân thì không áp dụng thời hiệu yêu cầu trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (điều 159 khoản 4 mới BLTTD) nhằmphù hợp với quy định của luật dân sự (48). Với việc sửa đổi bổ sung này phải chăng có thể hiểu sẽ không áp dụng thời hiệu (một năm) đối với yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật vì yêu cầu này vốn được xem là một quyền về nhân thân và quan hệ hôn nhân hợp pháp gắn liền với quyền nhân thân cần được bảo vệ ? Sự sửa đổi này về một mặt nào đó hình như có hướng tiếp cận với sự hướng dẫn của Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP đã nêu (điểm d, tiểu điểm d.1 d.2 và d.3)

II.2.2. Việc áp dụng thời hiệu

II.2.2.a. Đối với yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật do vi phạm độ tuổi luật định

Theo hướng dẫn của Nghị quyết 02/2000/HĐTP-TANDTC tại mục 2 điểm 2 tiểu điểm d.1 ta có cảm nhận rằng:

– “Nếu đến thời điểm có yêu cầu huỷ việc kết hôn trái pháp luật mà một bên hoặc cả hai bên vẫn chưa đến tuổi kết hôn, thì quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật ”. Hướng dẫn này phải chăng có thể hiểu thời hiệu yêu cầu huỷ việc kết hôn trái pháp luật được bắt đầu từ ngày đăng ký kết hôn và chấm dứt tại thời điểm đủ tuổi kết hôn. Thời điểm này vì vậy có thể nhỏ hơn lớn hơn 1 năm.

– “Nếu đến thời điểm có yêu cầu huỷ việc kết hôn trái pháp luật cả hai bên tuy đã đến tuổi kết hôn, nhưng cuộc sống của họ trong thời gian đã qua không có hạnh phúc, không có tình cảm vợ chồng, thì quyết định hủy kết hôn trái pháp luật”. Với hướng dẫn này phải chăng không áp dụng thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự 1 năm.

– “Nếu đến thời điểm có yêu cầu huỷ việc kết hôn trái pháp luật cả hai bên đã đến tuổi kết hôn, trong thời gian đã qua họ chung sống bình thường, đã có con, có tài sản chung thì không quyết định hủy kết hôn trái pháp luật. Nếu mới phát sinh mâu thuẫn và có yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn, thì Tòa án thụ lý vụ á để giải quyết ly hôn”. Với hướng dẫn này phải chăng vì không còn lợi ích để xử dụng yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật trên cơ sở điều 4 BLTTDS vì thế Tòa án chỉ giải quyết việc chấm dứt hôn nhân thông qua biện pháp ly hôn và như vậy không xem biện pháp hủy kết hôn trái pháp luật là một chế tài (50).

II.2.2.b. Đối với yêu cầu huỷ kết hôn trái pháp luật” do bị lừa dối, bị ép buộc hoặc bị cưỡng ép kết hôn

Cần phân biệt:

– “Nếu sau khi bị ép buộc, bị lừa dối hoặc bị cưỡng ép kết hôn mà cuộc sống không có hạnh phúc, không có tình cảm vợ chồng” thì không áp dụng thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự 1 năm và Tòa án có quyết định huỷ việc kết hôn trái pháp luật (mục 2 điểm d tiểu điểm d.2)  .

– “Nếu sau khi bị ép buộc, bị lừa dối hoặc bị cưỡng ép kết hôn mà bên bị ép buộc, bị lừa dối hoặc bị cưỡng ép đã biết, nhưng đã thông cảm, tiếp tục chung sống hoà thuận” thì được xem như không còn lợi ích để xử dụng yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật tương tự như trường hợp trên. Nếu mới phát sinh mâu thuẫn và một hoặc một bên có yêu cầu chấm dứt cuộc sống chung thì Tòa án thụ lý vụ án giải quyết theo thủ tục ly hôn (mục 2 điểm d tiểu điểm d.2)và như vậy không xem biện pháp hủy kết hôn trái pháp luật là một chế tài.

II.2.2.c. “Đối với yêu cầu huỷ kết hôn trái pháp luật’ do vi phạm nguyên tắc một vợ một chồngthì không áp dụng thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự 1 năm và Tòa án có quyết định huỷ việc kết hôn trái pháp luật ngoại trừ:

Trường hợp 1:   Đối với cán  bộ và  bộ  đội  miền nam tập kết ra bắc hồi năm 1954 đã có vợ có chồng ở miền nam mà lấy vợ hay chồng ở miền bắc thì cần công nhận cả hai quan hệ hôn nhân.

Trường hợp 2: Nếu khi một người đang có vợ hoặc có chồng, nhưng tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài mà đã kết hôn với người khác, thì lần kết hôn sau là thuộc trường hợp cấm kết hôn. Tuy nhiên, khi có yêu cầu huỷ việc kết hôn trái pháp luật họ đã ly hôn với vợ hoặc chồng của lần kết hôn trước, thì không quyết định huỷ việc kết hôn trái pháp luật đối với lần kết hôn sau (Giải pháp này có lẻ cũng được áp dụng đối với trường hợp có yêu cầu huỷ việc kết hôn trái pháp luật đối với lần kết hôn thứ hai trong khi hôn nhân thứ nhất đã chấm dứt do một trong hai người chết). Nếu mới phát sinh mâu thuẫn và có yêu cầu Toà án giải quyết việc ly hôn thì Toà án thụ lý vụ án để giải quyết ly hôn theo thủ tục chung (mục 2 điểm d tiểu điểm d.3).

II.2.2.d. “Đối với yêu cầu huỷ kết hôn trái pháp luật’ do người kết hôn không có năng lựchành vi dân sự; hoặc do vi phạm quan hệ huyết thống và thân thích, vi phạm về giới tính  thì không áp dụng thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự 1 năm và Tòa án có quyết định huỷ việc kết hôn trái pháp luật.

Luật sư TÔN THẤT QUỲNH BẰNG

 (46) Đối với các vi phạm về điều kiện kết hôn liên quan đến độ tuổi, đến sự ưng thuận, đến quan hệ thân thích, đền nguyên tắc một vợ một chồng; thời hiệu yêu cầu hủy kết hôn là 30 năm. Đối với các vi phạm liên quan sự nhầm lẫn…thời hiệu yêu cầu hủy kết hôn là 5 năm nhưng cũng đặt ra các biệt lệ như “trong trường hợp vi phạm tại điều 180 BLDS (vi phạm sự tự nguyện kết hôn; có sự nhầm lẫn về người hoặc về tư cách chủ yếu của người kết hôn) thì đơn xin hủy việc kết hôn sẽ không được chấp nhận nếu vợ chồng đã sống chung với nhau liên tục trong sáu tháng kể từ khi người vợ hay người chồng đã hoàn toàn tự do hoặc đã biết việc nhầm lẫm”- điều 181 BLDS.

(47)  Điều 185 BLDS Pháp “Tuy nhiên việc kết hôn giữa hai vợ chồng hoặc một người trong hai vợ chồng chưa đến tuổi do luật định không thể bị hủy:

1. Nếu đã được sáu tháng kể từ ngày người vợ hoặc người chồng ấy hoặc cả hai vợ chồng đã đủ tuổi kết hôn;

2. Nếu người vợ chưa đủ tuổi nhưng đã có thai trước khi hết thời hạn sáu tháng.

About luatsuquynhbang

Nghề Luật là người tình ...đã trót thương là nghiệp ...đã trót mang
Bài này đã được đăng trong Uncategorized và được gắn thẻ . Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Bình luận về bài viết này