QUYỀN KHÁNG CÁO CỦA ĐƯƠNG SỰ ĐỐI VỚI QUYẾT ĐỊNH ĐÌNH CHỈ GIẢI QUYẾT VỤ ÁN DÂN SỰ

THẨM QUYỀN BAN HÀNH QUYẾT ĐỊNH ĐÌNH CHỈ GIẢI QUYẾT VỤ ÁN DÂN SỰ

1. Theo khoản 1 điều 194 BLTTDS thì “Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án dân sự có thẩm quyền ra quyết định…đình chỉ giải quyết vụ án dân sự đó”.
2. Nhưng theo khoản 2 điều 210 BLTTDS thì việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự phải được thảo luận thông qua tại phòng nghị án; như vậy trong trường hợp đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo quy định tại điều 195 BLTTDS thì thẩm quyền ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự lại thuộc về Hội đồng xét xử.

VẤN ĐỀ VÀ THỦ TỤC XÉT KHÁNG CÁO- VIỆC BẢO VỆ QUYỀN LỢI ÍCH HỢP PHÁP CỦA ĐƯƠNG SỰ
1. Luật thừa nhận cho đương sự có quyền kháng cáo Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo thủ tục phúc thẩm (điểm s, khoản 2 điều 58; khoản 4 điều 193, điều 243 BLTTD);
2. Tuy nhiên việc xem xét lại Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo thủ tục phúc thẩm lại được tiến hành dưới hình thức mở phiên họp với sự tham gia đại diện Viện kiểm sát cùng cấp mà không có mặt của đương sự trừ trường hợp cần nghe ý kiến của họ trước khi ra quyết định (khoản 1 điều 280 BLTTDS); nhưng BLTTDS không nói rõ việc nghe ý kiến này có đồng hóa với việc phải triệu tập đương sự tham gia phiên họp như được quy định rõ ràng trong thủ tục giám đốc thẩm là “Khi xét thấy cần thiết, Tòa án triệu tập những người tham gia tố tụng và những người khác có liên quan đến việc kháng nghị tham gia phiên tòa Giám đốc thẩm”- khoản 2 điều 292 BLTTDS.
3. Khi BLTTDS sử dụng quyền kháng cáo đối với Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo thủ tục phúc thẩm thì có nên hiểu quyền này nằm trong khuôn khổ của việc “Thực hiện chế độ hai cấp xét xử” theo quy định tại điều 17 BLTTDS? Nếu nằm trong khuôn khổ của điều 17 BLTTDS thì ngoài quyền có ý kiến đối với việc kháng cáo này (khoản 2 điều 249 BLTTDS) sau khi nhận Thông báo về việc kháng cáo thì đương sự có quyền đề nghị Luật sư “bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình” như quy định tại điểm i khoản 2 điều 58 BLTTDS tại cấp phúc thẩm xét kháng cáo hay không? Nếu có thì đề nghị này được Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận dưới hình thức nào và Luật sư có được quyền tham gia phiên họp xét kháng cáo không? Cũng cần nhắc lại là kháng cáo là một trong các quyền của đương sự khi tham gia tố tụng được BLTTDS thừa nhận trái với việc đương sự không có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm (điều 285 BLTTDS)
4. Nếu việc kháng cáo của đương sự đối với quyết định đình chỉ giải quyết vụ án không nằm trong khuôn khổ của quy định của điều 17 BLTTDS thì việc kháng cáo của đương sự dựa xếp vào tiêu chí và trong khuôn khổ nào? Phải chăng việc kháng cáo trong trường hợp này này thực chất chỉ là việc khiếu nại hay được đồng hóa với việc khiếu nại đối với một quyết định được ban hành bởi người tiến hành tố tụng theo tinh thần của khoản 1 điều 391 BLTTDS liên quan đến việc khiếu nại các “Quyết định, hành vi trong tố tụng dân sự” khi đương sự không được quyền trực tiếp tham gia phiên họp xét kháng cáo; chắc hẳn không thể quan niệm như suy nghĩ trên!

Luật sư TÔN THẤT QUỲNH BẰNG

About luatsuquynhbang

Nghề Luật là người tình ...đã trót thương là nghiệp ...đã trót mang
Bài này đã được đăng trong Uncategorized và được gắn thẻ . Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Bình luận về bài viết này