QUYỀN KHÁNG CÁO CỦA NGƯỜI KẾ THỪA QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ DÂN SỰ

Bối cảnh (ví dụ)
A (chồng chết) là bị đơn trong một vụ kiện đòi nợ do B đứng ra khởi kiện. A chỉ có một người con duy nhất là C nhưng không ở cùng địa phương nơi A thường trú; vì vậy A không biết vụ tranh chấp này. Bản án cấp sơ thẩm tuyên buộc A phải thanh toán cho B một khoản nợ có giá trị là X đồng và cũng như các bản án sơ thẩm quyết định của Tòa có ghi A được quyền kháng cáo bản án này trong thời hạn 15 ngày kể từ thời điểm Tòa tuyên án. Trong thời hạn luật định A đột ngột chết.
Vấn đề được nêu ra là C có quyền được kháng cáo bản án nói trên hay không? Nếu có thì thời điểm kháng cáo bắt đầu từ khi nào?

Từ các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự Việt Nam…

1. Từ “đương sự” được sử dụng ở đây bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền nghĩa vụ liên quan đứng về phía nguyên/bị đơn và người có quyền nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập (điều 57 BLTTDS).
2. Tất cả những người trên đều có quyền kháng cáo quyết định (quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án) bản án của Tòa án cấp sơ thẩm (điểm s khoản 2 điều 58; điều 243 BLTTDS) để yêu cầu Tòa án cấp trên trực tiếp giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm (ngoại trừ quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời- khoản 1 điều 123 BLTTDS).
3. Đối với người kế thừa quyền và nghĩa vụ của đương sự (sau đây gọi tắt là người kế quyền) thì một mặt BLTTDS lại không nói đến quyền kháng cáo của họ nếu trong thời hạn kháng cáo quyết định hay bản án của cấp sơ thẩm đương sự lại chết; mặt khác nếu quyền này được chấp nhận thì thời điểm bắt đầu của thời hạn kháng cáo sẽ được tính khi nào?
4. Đối với vấn đề thứ nhất thì vì quyền và nghĩa vụ về tài sản của đương sự sẽ được chuyển sang cho các thừa kế khi họ chết thì thiết nghĩ quyền kháng cáo của các người kế quyền sẽ dễ dàng được chấp nhận trên cơ sở của điều 636 BLDS quy định về “thời điểm phát sinh quyền và nghĩa vụ của người thừa kế”. BLTTDS không nói rõ vấn đề này nhưng Luật tố tụng hành chính tại điểm 5 điều 53 có ghi “Việc kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng có thể được Tòa án chấp nhận ở bất cứ giai đoạn nào trong quá trình giải quyết vụ án hành chính”.
Trên cơ sở giả định quyền này được chấp nhận; vấn đề xem xét thời điểm bắt đầu của thời hạn kháng cáo của người kế quyền hình như lại trở nên khó khăn hơn. Theo quy định của BLTTDS thì thời hạn kháng cáo được xem là thời hạn tố tụng để người tham gia tố tụng thực hiện hành vi tố tụng (kháng cáo) và nếu để trôi qua thời hạn này thì được xem như từ bỏ hành vi tố tụng ngoại trừ những trường hợp luật định cho phép kháng cáo quá hạn (điều 247 BLTTDS) nhưng điều luật này hình như cũng chỉ áp dụng đối với các đương sự tham gia vụ án dân sự. Thời điểm bắt đầu của thời hạn kháng cáo được quy định tại điều 245 BLTTDS và tùy thuộc vào người có quyền kháng cáo có mặt hay không có mặt tại thời điểm Tòa án ban hành quyết định/bản án cấp sơ thẩm:
– Đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm, thời hạn kháng cáo là bảy ngày kể từ ngày người có quyền kháng cáo nhận được quyết định;
– Đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm, thời hạn kháng cáo là mười lăm ngày kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự không có mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày bản án được giao cho họ hoặc được niêm yết.
6. Đối với đương sự có mặt tại phiên xét xử nhưng lại chết trong thời hạn kháng cáo, phải chăng chỉ cần căn cứ điều 636 BLDS nói trên để xác định quyền kháng cáo của người kế quyền chẳng qua chỉ là tiếp nối quyền của đương sự tham gia tố tụng. Điều này dẫn đến thời hạn kháng cáo của người kế quyền phải được tính trong khuôn khổ của thời hạn kháng cáo của đương sự theo quy định của điều 245 BLTTDS? Nhưng trong trường hợp đương sự vắng mặt tại phiên xét xử và bản án cần được tống đạt thì việc tống đạt bản án hay quyết định cho một người đã chết sẽ trở thành vô nghĩa; liệu sự tống đạt này có phát sinh hiệu lực pháp luật đối với người kế quyền để có thể áp dụng quy định của điều 245 BLTTDS? BLTTDS đã không dự liệu trường hợp này.

…đến các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự mới của Pháp

1. BLTTDS mới của Pháp tuy không có điều khoản nào nói rõ quyền kháng cáo của các người kế quyền nhưng điều 546 có ghi “Quyền kháng cáo phúc thẩm thuộc về mọi bên có lợi ích liên quan nếu họ không khước từ lợi ích đó”. Phải chăng cụm từ “mọi bên có lợi ích liên quan” sẽ được ám chỉ những người kế quyền?
2. Mặt khác điều 532 BLTTDS mới của Pháp có quy định “Thời hạn kháng cáo bị gián đoạn – délai est in terrompu– do người được tống đạt bản án nay đã chết”; như vậy trên cơ sở giả định mỗi khi chấp nhận người kế quyền có quyền kháng cáo quyết định/bản án của cấp sơ thẩm thì thời hạn kháng cáo sẽ chỉ bắt đầu vào thời điểm người này nhận được quyết định hay bản án cấp sơ thẩm hay cũng chỉ nằm trong khuôn khổ của thời hạn kháng cáo của người được tống đạt? Vấn đề này lại nảy sinh một vấn đề phụ thuộc khác là Tòa án có nghĩa vụ hay không có nghĩa vụ tống đạt bản án cho người kế quyền để người kế quyền có thể thực hiện quyền kháng cáo khi cần thiết?

Luật sư TÔN THẤT QUỲNH BẰNG

About luatsuquynhbang

Nghề Luật là người tình ...đã trót thương là nghiệp ...đã trót mang
Bài này đã được đăng trong Uncategorized. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Bình luận về bài viết này