Trích báo: Ly dị- lỗi và không lỗi (theo luật pháp Hoa Kỳ)

Ly Dị: Lỗi và không lỗi
Luật Sư LyLy Nguyễn

Như đã đề cập kỳ trước, giữa hai vợ chồng người nào khởi tố xin ly dị thì phải nộp đơn ra tòa nêu rõ căn nguyên tại sao muốn ly dị. Bất cứ ai cũng có quyền xin ly dị theo “không lỗi” tại mọi tiểu bang, nhưng cũng có nhiều nơi cho ly dị dựa trên cả hai căn bản “không lỗi” và “lỗi”.

Ly dị “không lỗi”

Theo luật pháp Hoa Kỳ xin ly dị “không lỗi” (no-fault) là cả hai vợ chồng không đổ lỗi cho nhau vì sao hôn nhân tan rã. Trường hợp này không cần kết tội nhau thì mới được chấp thuận cho ly dị, có nghĩa là không cần buộc ai phải có “lỗi” (fault) hay gây ra “tội” (guilt). Theo từ ngữ luật pháp căn bản xác định ly dị không lỗi thường gọi là “bất đồng không thể hòa giải” (irreconcilable differences), “tan vỡ không thể hàn gắn” (irretrievable breakdown), hoặc “bất hợp” (incompatibility). Ðúng như nghĩa của các từ ngữ này dù rằng hôn nhân chấm dứt nhưng tòa án cũng như các văn kiện pháp lý không bao giờ nêu ra lỗi phải của cả hai bên.

Nói một cách khác, ly dị không lỗi được diễn tả là loại ly dị theo đó người hôn phối đứng xin ly dị nhưng không phải chứng minh người kia có hành động sai trái. Tất cả mọi tiểu bang đều chấp nhận loại ly dị không lỗi bất kể ai có tội lỗi hay không. Muốn ly dị dựa theo không lỗi, vợ hay chồng chỉ cần giản dị nêu một trong ba lý do tổng quát trên cũng đủ tuyên bố rằng hai vợ chồng không hòa thuận nên không muốn sống chung với nhau nữa.

Trong vòng ba chục năm qua nguyên cớ không lỗi đã thay thế hẳn cho có lỗi lập thành căn bản chính để căn cứ vào đó mà tòa án chấp thuận cho ly dị. Ly dị không lỗi được coi như một phương cách có tính chất nhân đạo và thực tế hơn trong việc kết thúc hôn nhân. Cả hai vợ chồng trong vụ ly dị vốn đã trải qua quá nhiều đau khổ vì gia đình lục đục đưa đến tan vỡ rồi cho nên không cần đổ thêm dầu vào ngọn lửa đang thiêu rụi chút tình cảm còn sót lại bằng cách khơi ra lỗi phải tại ai. Luật lệ chi phối ly dị không lỗi cũng nhận định rằng sợi dây liên hệ giữa loài người thường rất phức tạp, do đó rất khó chứng minh rằng hôn nhân tan vỡ chỉ đơn thuần do hành động của một mình chồng hay vợ mà ra.

Cũng có một vài ý kiến chỉ trích cho là người hôn phối nào sống tùy thuộc sẽ không được bảo vệ đúng mức vì luật không lỗi giúp người kia phủi tay quá dễ dàng. Hơn nữa ly dị không lỗi đem lại kết quả vợ hay chồng sống tùy thuộc chỉ được chia tài sản hay nhận chu cấp ít hơn trường hợp chứng minh người kia có lỗi.

Ly dị “có lỗi”

Thêm vào việc chấp nhận ly dị “không lỗi”, nhiều tiểu bang còn cho áp dụng luật ly dị “có lỗi”. Xin ly dị có lỗi chỉ được tòa án chấp thuận nếu trưng ra được đầy đủ chứng cớ làm nền tảng cho lý do ly dị, hơn nữa ít nhất phải có vợ hoặc chồng nộp đơn xin.

Tuy nhiên lý do bắt lỗi cũng thay đổi tùy theo luật của tiểu bang nhưng nói chung các nguyên cớ thông thường được nêu ra nhiều nhất là:

– Ngoại tình

– Ác độc thể chất

– Ác độc tinh thần

– Mưu sát

– Ruồng rẫy

– Nghiện rượu

– Nghiện ma túy

– Ðiên khùng

– Bất lực tình dục (không tiết lộ cho người hôn phối biết trước khi cưới)

– Sang truyền bệnh AIDS hay hoa liễu cho người hôn phối.

Vợ chồng nào để tâm thù hận có thể nộp một đơn kiện nhiều lỗi khác nhau (multi-count complaint). Cũng có nhiều người chỉ thấy nguôi giận khi người hôn phối chịu nhìn nhận bằng chứng phạm lỗi. Tuy nhiên tòa án không là chỗ phân xử chuyện cá nhân do đó kẻ buộc tội thường ít được thỏa mãn hơn là họ tưởng.

Sở dĩ cũng có nhiều người muốn ly dị theo căn bản có lỗi vì họ không muốn chờ đợi thời gian ly thân quá lâu do tiểu bang qui định nếu xử theo không lỗi. Hơn nữa tại vài tiểu bang người đứng xin ly dị có thể được hưởng phần chia tài sản hoặc chu cấp nhiều hơn người có lỗi.

Trường hợp cả hai vợ chồng cùng có lỗi thì tòa cho người ít lỗi hơn được ly dị chiếu theo học thuyết có tên là “tương đối ngay thẳng” (comparative rectitude). Ngày trước trường hợp cả hai vợ chồng cùng có lỗi thì tòa không cho ai được phép ly dị cả. Ðó là điều vô lý khi hai vợ chồng bất hòa không sống nổi với nhau mà không được giải thoát bằng ly dị; vì vậy mới dẫn đến quan niệm “tương đối ngay thẳng”.

Ngày nay nếu cả hai cùng có lỗi thì thông thường một người phải vô đơn xin ly dị trước. Nếu người kia không chịu nhận lỗi thì người ấy có quyền nạp đơn trả lời những gì bị buộc tội. Tòa sẽ thẩm xét lời khai của hai bên rồi ra phán quyết cho người nào được thắng. Dù rằng việc kiện nhau có thể xoa dịu tự ái một bên nhưng vụ án sẽ kéo dài thời gian có nghĩa là sẽ tốn rất nhiều tiền phí tổn tranh tụng.

Tại vài tiểu bang dù ly dị theo căn bản không lỗi nhưng lỗi vẫn có thể kể để tòa xét xử phân chia tài sản và chu cấp cho người không lỗi. Lấy thí dụ tại vài nơi lỗi sẽ được tính đến nếu trực tiếp gây ra hậu quả phí phạm hay tiêu hao tài sản chung của vợ chồng. Cũng có nhiều chỗ không cần kể đến lỗi phải của phía gây ra tan vỡ trong việc phân chia tài sản hoặc quyết định chu cấp.

Tuy nhiên có nơi khác không cho người ngoại tình hưởng chu cấp. Trong những vụ tranh chấp quyền giám hộ con cái, lỗi không bị kể vào yếu tố cứu xét trừ phi lỗi đó gây ảnh hưởng có hại cho đứa trẻ, do đó vợ hay chồng phạm lỗi ngoại tình kín đáo vẫn có thể được tòa cho giám hộ con cái.

Ly thân

Tại nhiều tiểu bang muốn ly dị “không lỗi” vợ chồng phải sống ly thân một thời gian với mục đích kiểm chứng rõ ràng cả hai thực sự không muốn trở lại với nhau nữa, sau đó cuộc ly thân trở thành ly dị vĩnh viễn.

Tùy từng nơi thời gian ly thân bắt buộc có thể kéo dài từ 6 tháng cho tới 5 năm. Trong số các tiểu bang có thời gian ly thân lâu nhất thì Idaho đứng đầu với 5 năm bất kể ly dị có lỗi hay không lỗi kế đến Texas và Utah là hai tiểu bang bắt buộc 3 năm.

Ly dị dễ nhất tại 15 tiểu bang trong số đó có Arizona, California, Florida, Indiana, Iowa, Kansas, Kentucky, Michigan, Missouri, Montana, Nebraska, Oregon, Washington, Wisconsin, và Wyoming. Tại các xứ này chỉ có luật ly dị theo căn bản không lỗi và cũng không phải ly thân; chỉ có điều kiện duy nhất là hội đủ thời gian trú quán mà thôi.

Chống đối ly dị không lỗi

Bất cứ vợ chồng nào cũng không được quyền chống đối ly dị theo không lỗi. Ngay tự bản chất hành vi chống đối người hôn phối trong việc xin ly dị đã là nguyên cớ “bất đồng không thể hòa giải” như đã nói trên.

Tuy nhiên trong vài tình huống ly dị theo căn nguyên có lỗi, vợ hay chồng đều có thể xin tòa cứu xét ngăn không cho “ly dị sai” (fault divorce) nếu chứng minh được trước tòa rằng mình vô tội. Dưới đây là một vài trường hợp điển hình:

– Tha thứ (Condonation) – là tình trạng một người đã chấp nhận hành vi của người hôn phối. Lấy thí dụ bà vợ biết chồng ngoại tình mà không phản đối lại còn tuyên bố tha tội. Nếu sau đó bà ấy kiện chồng đòi ly dị vì tội ngoại tình thì ông chồng có thể biện minh trước tòa là mình đã được vợ tha thứ.

– Ðồng lõa (Connivance) – là trường hợp dàn dựng điều kiện giúp người hôn phối phạm lỗi. Lấy thí dụ bà vợ mời cô “bồ nhí” của chồng tới nhà chơi rồi cho ở lại. Ðến cuối tuần bà bỏ về thăm cha mẹ để mặc chồng tự do du dương. Nếu sau đó bà ấy kiện chồng ra tòa đòi ly dị vì tội ngoại tình thì ông chồng có quyền biện minh là bị vợ dàn dựng cho vào xiếc.

– Khích động (Provocation) – là xúi giục người khác vào một hành động phạm lỗi. Nếu bà vợ kiện bị chồng bỏ rơi thì ông chồng có quyền biện minh là bị vợ có hành vi lăng loàn nên khích động chịu không nổi phải bỏ nhà ra đi.

– Cấu kết (Collusion) – là hành vi thông đồng của hai vợ chồng giả bộ ly dị kiểu “có lỗi” để được ly dị ngay khỏi phải ly thân theo qui định của luật “không lỗi” mà cả hai cùng không muốn chờ. Trường hợp này gọi là thông đồng bởi vì vợ chồng cùng cấu kết để lừa quan tòa.

Tuy nhiên những ai muốn chống ly dị theo các lý lẽ trên thì cần phải suy nghĩ cho chín chắn bởi vì trên thực tế những lý lẽ này ít được ai sử dụng đến. Trước hết những vụ này phải có nhân chứng và tốn rất nhiều thời giờ và tiền bạc. Thứ hai, tuy làm như vậy nhưng ít khi đạt được kết quả mong muốn mà ngược lại chỉ hoài công tốn tiền, tốn sức.

Dù có phản bác nhưng phần lớn tòa đều cho ly dị vì theo chính sách đại chúng chống khuynh hướng ép buộc vợ chồng một khi không muốn ở với nhau nữa mà vẫn phải ở. Trong mọi tình huống tốt hơn hết vợ chồng nên đồng lòng ly dị một cách dễ dàng thì sẽ tiết kiệm được năng lực và tiền bạc để dùng vào việc khác có ích lợi hơn thí dụ như trả nợ chung hoặc dành tiền cho con cái lên đại học trong tương lai thay vì đổ tiền vào án phí do tranh chấp gây ra

Kỳ tới chúng tôi trình bày thêm chi tiết những sự việc mà ly dị có và không có ảnh hưởng. Cũng như thường lệ người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ có mục đích sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.

Nguồn: http://lamthompson.com/content/browse.php?action=shownews&id=34&topicid=272

About luatsuquynhbang

Nghề Luật là người tình ...đã trót thương là nghiệp ...đã trót mang
Bài này đã được đăng trong Uncategorized. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Bình luận về bài viết này