Thuật ngữ tố tụng dân sự Pháp Việt 24

CITATION (n) : sự triệu tập.
Ngày nay thuật ngữ Citation ít được dùng và được thay thế bằng Assignation khi Tòa án triệu tập các bên liên quan và Convocation khi Tòa án triệu tập các nhân chứng.
Citation à comparaitre : triệu tập (có mặt tại tòa ).
Citation direct : triệu tập trực tiếp.
CITER (v) : triệu tập (ra tòa).
CIVIL (adj) : dân sự.
Matière civile contentieux: vụ dân sự-xem Matière/Matière civile contentieux (tập II).
Matière civile gracieux : việc dân sự- xem Matière/Matière civile gracieux (tập II).
CLAUSE ATTRIBUTRIVE DE COMPÉTENCE : điều khoản thỏa thuận chọn Tòa án giải quyết vụ việc.
Đây là thỏa thuận của các bên thường được ghi trong hợp đồng xác lập một giao dịch nào đó nhằm chọn lựa Tòa án giải quyết vụ việc. Tuy nhiên việc lựa chọn Tòa án giải quyết vụ việc chỉ có hiệu lực khi thỏa mãn các điều kiện quy định tại điều 36 khoản 1* BLTTDS. Trường hợp các tranh chấp theo quy định tại điều 33* BLTTDS thì Tòa án nơi được lựa chọn là Tòa án nhân dân cấp huyện; trường hợp các tranh chấp theo quy định của điều 34 BLTTDS thì Tòa án được lựa chọn là Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Trong thực tế có nhiều hợp đồng mua bán hàng hóa giữa các cá nhân có đăng ký kinh doanh hoặc giữa các doanh nghiệp với nhau thường quy định khi có tranh chấp xảy ra thì lựa chọn một Tòa án nhất định nào đó để giải quyết. Việc lựa chọn này không đúng quy định của pháp luật bởi lẽ có trường hợp tranh chấp của hợp đồng thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố dù có được lựa chọn cũng không thuộc thẩm quyền giải quyết sơ thẩm. Do đó đối với các bên khi ký kết hợp đồng, điều khoản về giải quyết tranh chấp chỉ cần ghi sẽ do Tòa án có thẩm quyền giải quyết là đủ; việc chọn Tòa án nào giải quyết khi có tranh chấp phát sinh sẽ theo quy định tại các điều 33*, 34, 35* và 36* của BLTTDS.
Theo luật tố tụng dân sự của Pháp tại điều 41 thì các bên có thể thỏa thuận với nhau về việc chọn Tòa án để giải quyết tranh chấp đối với các quyền ngay cả trường hợp Tòa án này không có thẩm quyền xét xử căn cứ vào giá ngạch của yêu cầu.
CLAUSE COMPROMISSOIRE : điều khoản trọng tài.
Đây là điều khoản được các bên thỏa thuận ghi trong hợp đồng chính hoặc hợp đồng sửa đổi theo đó nếu xảy ra tranh chấp kinh tế các bên sẽ chọn lựa cách giải quyết bằng phương thức trọng tài. Theo điều 5 khoản 1 Luật trọng tài thì “Tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài nếu các bên có thỏa thuận bằng trọng tài. Thỏa thuận này có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp”.
CODE DE PROCÉDURE CIVIL VIETNAMIEN: Bộ luật tố tụng dân sự Việt Nam.
Bộ luật tố tụng dân sự Việt Nam được Quốc hội khoá XI thông qua ngày 15 tháng 6 năm 2004 và bắt đầu có hiệu lực vào ngày 01 tháng 01 năm 2005 (được sửa đổi bổ sung năm 2011) nhằm quy định những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự; trình tự, thủ tục khởi kiện để Tòa án giải quyết các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và được gọi chung là vụ án dân sự- xem Procès civil (tập II) và trình tự, thủ tục yêu cầu để Tòa án giải quyết các việc về yêu cầu dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động (sau đây gọi chung là việc dân sự- Affaire civil gracieux); trình tự, thủ tục giải quyết vụ án dân sự, việc dân sự (sau đây gọi chung là vụ việc dân sự- Affaire civil) tại Tòa án; thi hành án dân sự; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, của cá nhân và tổ chức có liên quan nhằm bảo đảm cho việc giải quyết các vụ việc dân sự được nhanh chóng, chính xác, công minh và đúng luật pháp (điều 1 BLTTDS).
COINTÉRESSÉS (n) : những người có cùng quyền lợi, các đương sự cùng đứng một phía trong vụ án dân sự.
Những người có cùng quyền lợi có thể ở vị trí nguyên đơn (để cùng đứng đơn khởi kiện) hoặc vị trí bị đơn (bị một hoặc nhiều nguyên đơn khởi kiện), hoặc vị trí các người có quyền và nghĩa vụ liên quan gắn liền với nguyên đơn hay bị đơn. Trong việc tham gia tố tụng, họ có những quyền và nghĩa vụ như nhau- xem Colitigants- Consort-Demandeur- Défendeur- Intervenant- Litigants- Litisconsort (tập II).
COLITIGANTS : những người có cùng quyền lợi, các đương sự cùng đứng một phía trong vụ án dân sự- xem Cointéressés- Colitigants- Consort-Demandeur- Défendeur- Intervenant- Litigants- Litisconsort (tập II).
COLLÉGIALITÉ (n) : tính tập thể (nguyên tắc xét xử).
Việc giải quyết các tranh chấp được dựa trên nguyên tắc xét xử tập thể và quyết định theo đa số trong đó quyền và trách nhiệm của các Hội thẩm nhân dân và Thẩm phán ngang nhau (điều 6 LTCTA 2002, điều 14 BLTTDS).
COMMANTATEUR (n) : người chú thích, người bình luận một bản án.
Luật sư TÔN THẤT QUỲNH BẰNG

About luatsuquynhbang

Nghề Luật là người tình ...đã trót thương là nghiệp ...đã trót mang
Bài này đã được đăng trong Uncategorized. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Bình luận về bài viết này