Thuật ngữ tố tụng dân sự Pháp Việt 26

COMMUNICABLE (adj) : được thông báo, được thông tri, được chuyển giao.
COMMUNICATION (n) : sự thông báo, sự thông tri, sự chuyển giao.
Communication des causes : sự thông báo vụ án- xem Notification/Notification de l’enregistrement du procès (tập II).
Communication des pièces entre les avocats : sự thông báo, sự thông tri, sự chuyển giao bút lục giữa các luật sư- xem Notification/Notification entre avocats (tập II).
Communication des pièces entre les parties : sự thông báo, sự thông tri, sự chuyển giao các bút lục giữa các bên tham gia tố tụng- xem Pièce/Communication des pièces entre les parties (tập II).
COMPARAITRE (v) : trình diện, có mặt, ra, đến (theo lệnh) trước tòa.
Comparaitre devant le tribunal : ra trước tòa, đến trình diện ở tòa, hầu tòa.
Comparaitre en personne : đích thân có mặt.
Comparaitre par mandataire : có mặt bởi người được uỷ quyền.
COMPARANT (n) : người ra trước tòa theo giấy triệu tập, người ra hầu tòa.
COMPARUTION (n) : sự ra trước tòa, sự có mặt tại Tòa (của một bên tham gia tố tụng hay của người làm chứng) theo giấy triệu tập (Citation).
Comparution personnelle des parties, Comparution en personne des parties: sự đích thân có mặt của các đương sự.
Comparution des parties : sự có mặt của các bên ở tòa.
Défaut de comparution : sự vắng mặt ở tòa, sự không có mặt ở tòa – xem Audience/Ajournement de l’audience.
Défaut de comparution du demandeur, non comparution du demandeur : sự vắng mặt của nguyên đơn- xem Audience/Ajournement de l’audience (tập II).
Défaut de comparution du défendeur/défendresse, non comparution du défendeur/défendresse : sự vắng mặt của bị đơn – xem Audience/Ajournement de l’audience (tập II).
COMPLAINTE (n) : việc khiếu kiện (nhằm bảo vệ quyền chiếm hữu bất động sản)- xem Complainte (tập I)- Action/Action en complainte (tập II).
COMPLEXE (adj) : tính phức tạp (của vụ tranh chấp).
Affaire complexe : vụ án phức tạp- xem Affaire/Affairre compliquée (tập II).
COMPÉTENCE (n) : thẩm quyền (của Tòa án).
Tòa án chỉ có thể thụ lý một vụ tranh chấp tương ứng với những quy định luật pháp liên quan đến tố tụng cũng như việc tổ chức loại, cấp Tòa án đó. Quyền thụ lý vụ tranh chấp cũng như quyền xét xử người ta gọi là thẩm quyền. Việc phân định thẩm quyền được xét theo nhiều tiêu chí khác nhau.
Compétence d’attribution : thẩm quyền (của Tòa án) theo tính chất sự việc, thẩm quyền chung, thẩm quyền giao phó.
Thẩm quyền theo tính chất sự việc là loại thẩm quyền liên quan đến việc xem xét vụ tranh tụng sẽ được giao cho loại Tòa án nào, đó là Tòa dân sự, Tòa lao động hay Tòa kinh tế. Ngay trong mỗi loại Tòa tùy vụ việc sẽ là Tòa cấp huyện hay tương đương hoặc cấp tỉnh hay tương đương. Ví dụ các tranh chấp có liên quan đến yếu tố người nước ngoài trên nguyên tắc là thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh hay một vụ án chưa được xét xử ở cấp sơ thẩm thì không thể đưa ra xét xử ở cấp phúc thẩm. Loại thẩm quyền này được quy định một cách rõ rệt trong các văn bản về tố tụng hay tổ chức Tòa án.
Nếu nguyên đơn nộp đơn đề nghị Tòa giải quyết các vụ án dân sự và Tòa xét thấy không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì trả lại đơn kiện (điều 168 khoản 1 điểm đ* BLTTDS). Nếu Tòa án xét vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác thì phải chuyển đơn khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền và báo cho người khởi kiện biết (điều 167 khoản 2 BLTTDS). Đối với các việc dân sự căn cứ điều 311* BLTTDS Tòa án cũng áp dụng những biện pháp tương tự nếu rơi vào những trường hợp tương tự trên.

Thẩm quyền theo tính chất sự việc được xác định theo luật nên việc thụ lý và xét xử không đúng thẩm quyền sẽ làm cơ sở cho việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm vì vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng theo quy định của điều 283 BLTTDS. Việc tranh chấp về thẩm quyền giữa các Tòa án nhân dân được giải quyết theo quy định của điều 37 khoản 2 và 3* BLTTDS- xem Conflit/Conflit de compétence (tập II).

TRANH CHẤP VÀ YÊU CẦU VỀ DÂN SỰ-HÔN NHÂN GIA ĐÌNH
Theo quy định tại các điều 25* và 26* BLTTDS những tranh chấp và yêu cầu về dân sự và hôn nhân sau đây thuộc thẩm quyền của Tòa dân sự:
Về tranh chấp
– Tranh chấp giữa cá nhân với cá nhân về quốc tịch Việt Nam.
– Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản.
– Tranh chấp về hợp đồng dân sự.
– Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 điều 29 của Bộ luật này.
– Tranh chấp về thừa kế tài sản.
– Tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
– Tranh chấp về quyền sử dụng đất, về tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
– Tranh chấp liên quan đến hoạt động nghiệp vụ báo chí theo quy định của pháp luật.
– Tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu.
– Tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
– Tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, thanh toán phí tổn đăng ký mua tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
– Các tranh chấp khác về dân sự mà pháp luật có quy định.”
Về yêu cầu
– Yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc quyết định tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự.
– Yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú và quản lý tài sản của người đó.
– Yêu cầu tuyên bố một người mất tích, hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích.
– Yêu cầu tuyên bố một người là đã chết, hủy bỏ quyết định tuyên bố một người là đã chết.
– Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định về dân sự, quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Tòa án nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định về dân sự, quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Tòa án nước ngoài mà không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam.
– Yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu.
– Yêu cầu xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản; phân chia tài sản chung để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
– Các yêu cầu khác về dân sự mà pháp luật có quy định.”

TRANH CHẤP VÀ YÊU CẦU VỀ KINH DOANH, THƯƠNG MẠI
Theo điều 29 và 30 BLTTDS thì những tranh chấp và yêu cầu về kinh doanh, thương mại sau đây thuộc thẩm quyền của Tòa kinh tế:
Về tranh chấp
– Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận bao gồm: mua bán hàng hóa; cung ứng dịch vụ; phân phối; đại diện, đại lý; ký gửi; thuê, cho thuê, thuê mua; xây dựng; tư vấn, kỹ thuật; vận chuyển hàng hóa, hành khách bằng đường sắt, đường bộ, đường thủy nội địa; vận chuyển hàng hóa, hành khách bằng đường hàng không, đường biển; mua bán cổ phiếu, trái phiếu và giấy tờ có giá khác; đầu tư, tài chính, ngân hàng; bảo hiểm; thăm dò, khai thác.
– Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.
– Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.
Về yêu cầu:
Những yêu cầu về kinh doanh, thương mại sau đây thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án:
– Yêu cầu liên quan đến việc Trọng tài thương mại Việt Nam giải quyết các vụ tranh chấp theo quy định của pháp luật về Trọng tài thương mại.
– Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định kinh doanh, thương mại của Tòa án nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định kinh doanh, thương mại của Tòa án nước ngoài mà không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam.
– Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định kinh doanh, thương mại của Trọng tài nước ngoài.

TRANH CHẤP VÀ YÊU CẦU VỀ LAO ĐỘNG
Về tranh chấp
Theo điều 31* BLTTDS thì những tranh chấp về lao động sau đây thuộc thẩm quyền của Tòa lao động:
1. Tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động mà Hội đồng hòa giải lao động cơ sở, hòa giải viên lao động của cơ quan quản lý nhà nước về lao động huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hòa giải thành nhưng các bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, hòa giải không thành hoặc không hòa giải trong thời hạn do pháp luật quy định, trừ các tranh chấp sau đây không nhất thiết phải qua hòa giải tại cơ sở:
a/ Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
b/ Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động và người sử dụng lao động; về trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;
c/ Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;
d/ Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về lao động;
đ/ Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
2. Tranh chấp lao động tập thể về quyền giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh giải quyết mà tập thể lao động hoặc người sử dụng lao động không đồng ý với quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã thành phố thuộc tỉnh hoặc quá thời hạn mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh không giải quyết.
3. Các tranh chấp khác về lao động mà pháp luật có quy định.
Về yêu cầu
Theo điều 32 BLTTDS thì những yêu cầu về lao động sau đây thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa lao động:
– Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định lao động của Tòa án nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định lao động của Tòa án nước ngoài mà không có yêu cầu thi hành tại Việt NaYêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định lao động của Trọng tài nước ngoài.
Compétence des juridictions de divers échelons : thẩm quyền của Tòa án theo hệ cấp (đơn vị hành chính).
Đây là việc phân định thẩm quyền của từng cấp Tòa án trong việc giải quyết các vụ việc dân sự theo thủ tục sơ thẩm. Sự phân định này được căn cứ vào hệ thống tổ chức Tòa án, tính chất phức tạp của từng vụ việc, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của các người tiến hành tố tụng. BLTTDS tại các điều 33* và 34 đã quy định rõ những vụ việc nào thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và những vụ việc nào thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Ví dụ các tranh chấp liên quan đến vận chuyển hàng hóa, hành khách bằng đường hàng không, đường biển; về mua bán cơ phiếu, trái phiếu..; về đầu tư, tài chính, ngân hàng; bảo hiểm…hay là bất cứ tranh chấp hoặc yêu cầu nào mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan Lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài hoặc cho Tòa án nước ngoài đều không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện và tương đương. Tuy nhiên nếu Tòa án nhân dân cấp huyện khi thụ lý vụ việc dân sự đúng thẩm quyền theo quy định của BLTTDS và chỉ trong quá trình giải quyết mới có sự thay đổi như có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan Lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án nước ngoài – xem Commission/Commission rogatoire internationale (tập II) thì Tòa án nhân dân cấp huyện đã thụ lý tiếp tục giải quyết vụ việc dân sự đó (điều 412 BLTTDS, phần I điểm 4 tiểu điểm 4.4 Nghị quyết 01/2005/NQ-HĐTP của HĐTP TANDTC). Nguyên tắc này cũng được áp dụng khi Tòa án nhân dân cấp tỉnh thụ lý giải quyết đúng thẩm quyền và trong quá trình giải quyết nếu có sự thay đổi như không còn đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc không cần ủy thác tư pháp cho cơ quan Lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án nước ngoài thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã thụ lý tiếp tục giải quyết vụ việc dân sự đó (điều 412 BLTTDS, phần I điểm 4 tiểu điểm 4.4 Nghị quyết 01/2005/NQ-HĐTP của HĐTP TANDTC).

Vấn đề đương sự hoặc tài sản nước ngoài được HĐTP TANDTC giải thích tại phần I điểm 4 tiểu điểm 4.1 và 4.2 của Nghị quyết 01/2005/NQ-HĐTP nói trên như sau:
1. Đương sự ở nước ngoài bao gồm:
a/ Đương sự là cá nhân không phân biệt là người nước ngoài hay người Việt Nam mà không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự; đương sự là người Việt Nam định cư, làm ăn, học tập, công tác ở nước ngoài hoặc người nước ngoài không ở Việt Nam có mặt tại Việt Nam để nộp đơn khởi kiện vụ án dân sự hoặc đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án.
Đối với yêu cầu huỷ việc kết hôn trái pháp luật, giải quyết việc ly hôn, các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha, mẹ và con, về nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi và giám hộ giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam, thì theo quy định tại điều 102 khoản 3 LHNGĐ là thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi cư trú của công dân Việt Nam.
b/ Cơ quan, tổ chức không phân biệt là cơ quan, tổ chức nước ngoài hay cơ quan, tổ chức Việt Nam mà không có trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự.
2. Tài sản ở nước ngoài:
Tài sản ở nước ngoài là tài sản được xác định theo quy định của Bộ luật dân sự ở ngoài biên giới lãnh thổ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự.
Compétence des juridictions vietnamiennes vis-a-vis des affaires civiles comportant un élément d’extranéité : thẩm quyền của Tòa án Việt Nam giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài- xem Compétence/Compétence exclusive (tập II).
Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài mà BLTTDS có quy định. Điều 410 BLTTDS quy định các vụ việc được xem là có yếu tố nước ngoài bao gồm:
– Bị đơn là cơ quan, tổ chức nước ngoài có trụ sở chính tại Việt Nam hoặc bị đơn có cơ quan quản lý, chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam.
– Bị đơn là công dân nước ngoài, người không quốc tịch cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam hoặc có tài sản trên lãnh thổ Việt Nam;
– Nguyên đơn là công dân nước ngoài, người không quốc tịch cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam đối với vụ việc dân sự về yêu cầu đòi tiền cấp dưỡng, xác định cha mẹ;
– Vụ việc dân sự về quan hệ dân sự mà căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật Việt Nam hoặc xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam nhưng có ít nhất một trong các đương sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài;
– Vụ việc dân sự mà quan hệ dân sự mà căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài hoặc xảy ra ở nước ngoài, nhưng các đương sự đều là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam và nguyên đơn hoặc bị đơn cư trú tại Việt Nam;
– Tranh chấp phát sinh từ hợp đồng mà việc thực hiện toàn bộ hoặc một phần hợp đồng xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam;
– Vụ việc ly hôn mà nguyên đơn hoặc bị đơn là công dân Việt Nam.
Compétence exclusive : thẩm quyền riêng biệt (thụ lý, xét xử vụ tranh chấp).
Thẩm quyền riêng biệt là thẩm quyền chỉ được dành cho một Tòa án nào đó giải quyết vụ tranh chấp. Ví dụ theo điều 411 BLTTDS đối với các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài sau đây thì chỉ duy nhất Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết:
1. Những vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài sau đây thuộc thẩm quyền giải quyết riêng biệt của Tòa án Việt Nam:
– Vụ án dân sự có liên quan đến quyền đối với tài sản là bất động sản có trên lãnh thổ Việt Nam;
– Tranh chấp phát sinh từ hợp đồng vận chuyển mà người vận chuyển có trụ sở chính hoặc chi nhánh tại Việt Nam;
– Vụ án ly hôn giữa công dân Việt Nam với công dân nước ngoài hoặc người không quốc tịch, nếu cả hai vợ chồng cư trú, làm ăn, sinh sống ở Việt Nam.
2. Những việc dân sự có yếu tố nước ngoài sau đây thuộc thẩm quyền giải quyết riêng biệt của Tòa án Việt Nam:
– Xác định một sự kiện pháp lý, nếu sự kiện đó xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam;
– Tuyên bố công dân nước ngoài, người không quốc tịch bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất năng lực hành vi dân sự nếu họ cư trú, làm ăn, sinh sống ở Việt Nam và việc tuyên bố đó có liên quan đến việc xác lập quyền, nghĩa vụ của họ trên lãnh thổ Việt Nam;
– Tuyên bố công dân nước ngoài, người không quốc tịch mất tích, đã chết nếu họ có mặt ở Việt Nam tại thời điểm có sự kiện xảy ra mà sự kiện đó là căn cứ để tuyên bố một người mất tích, đã chết và việc tuyên bố đó có liên quan đến việc xác lập quyền, nghĩa vụ của họ trên lãnh thổ Việt Nam;
– Yêu cầu Tòa án Việt Nam tuyên bố công dân Việt Nam mất tích, đã chết nếu việc tuyên bố đó có liên quan đến việc xác lập quyền, nghĩa vụ của họ trên lãnh thổ Việt Nam;
– Công nhận tài sản có trên lãnh thổ Việt Nam là vô chủ hoặc công nhận quyền sở hữu của người đang quản lý đối với bất động sản vô chủ trên lãnh thổ Việt Nam.
Compétence juridictionnelle au choix du demandeur : thẩm quyền của Tòa án theo chọn lựa của nguyên đơn.
Theo điều 36* BLTTDS:
1. Đối với các tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động nguyên đơn có quyền lựa chọn Tòa án giải quyết trong các trường hợp sau đây:
a/ Nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết;
b/ Nếu tranh chấp phát sinh từ hoạt động của chi nhánh tổ chức thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi tổ chức có trụ sở hoặc nơi tổ chức có chi nhánh giải quyết;
c/ Nếu bị đơn không có nơi cư trú, làm việc, trụ sở ở Việt Nam hoặc vụ án về tranh chấp việc cấp dưỡng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc giải quyết;
d/ Nếu tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi xảy ra việc gây thiệt hại giải quyết;
đ/ Nếu tranh chấp về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội, quyền và lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập và các điều kiện lao động khác đối với người lao động thì nguyên đơn là người lao động có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc giải quyết;
e/ Nếu tranh chấp phát sinh từ việc sử dụng lao động của người cai thầu hoặc người có vai trò trung gian thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi người sử dụng lao động là chủ chính cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi người cai thầu, người có vai trò trung gian cư trú, làm việc giải quyết;
g/ Nếu tranh chấp phát sinh từ quan hệ hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi hợp đồng được thực hiện giải quyết;
h/ Nếu các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở ở nhiều nơi khác nhau thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi một trong các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết;
i/ Nếu tranh chấp bất động sản mà bất động sản có ở nhiều địa phương khác nhau thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi có một trong các bất động sản giải quyết.
2. Đối với các yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình người yêu cầu có quyền lựa chọn Tòa án giải quyết trong các trường hợp sau đây:
a/ Đối với các yêu cầu về dân sự quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6 và 7 điều 26 của Bộ luật này thì người yêu cầu có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi có tài sản của người bị yêu cầu giải quyết;
b/ Đối với yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật quy định tại khoản 1 Điều 28 của Bộ luật này thì người yêu cầu có thể yêu cầu Tòa án nơi cư trú của một trong các bên đăng ký kết hôn trái pháp luật giải quyết;
c/ Đối với yêu cầu hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên hoặc quyền thăm nom con sau khi ly hôn thì người yêu cầu có thể yêu cầu Tòa án nơi người con cư trú giải quyết.

Ghi chú: Trước khi điều 36 BLTTDS được sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 01/2005/NQ-HĐTP của HĐTP TANDTC đã lưu ý một số vấn đề sau khi áp dụng điều này:
1. Khi xem xét yêu cầu của nguyên đơn lựa chọn Tòa án giải quyết vụ việc dân sự thì ngoài việc phải thực hiện đúng quy định tại điều 33 và điều 34 BLTTDS về thẩm quyền-xem Compétence/Compétence des juridictions de divers échelons (tập II) cần phân biệt như sau:
a/ Đối với trường hợp mà điều 36 của BLTTDS quy định yêu cầu lựa chọn Tòa án giải quyết vụ việc dân sự phải có điều kiện thì Tòa án chỉ chấp nhận yêu cầu khi điều kiện đó xảy ra. Ví dụ điều 36 tại khoản 1 có quy định “Nếu không biết nơi cư trú làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản để giải quyết”. Như vậy chỉ trong trường hợp không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn mới có yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết.
b/ Đối với trường hợp mà điều 36 của BLTTDS quy định yêu cầu lựa chọn Tòa án giải quyết vụ việc dân sự không cần phải có bất cứ điều kiện nào thì Tòa án chấp nhận yêu cầu lựa chọn Tòa án của nguyên đơn. Ví dụ tại điều 36 khoản 1 điểm đ của BLTTDS có ghi “Nếu tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi xảy ra việc gây thiệt hại giải quyết”. Như vậy trong trường hợp này việc yêu cầu lựa chọn Tòa án giải quyết việc tranh chấp dân sự không đòi hỏi phải bất cứ điều kiện nào nên nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi xảy ra việc gây thiệt hại giải quyết và Tòa án chấp nhận yêu cầu đó.
2. Trong trường hợp nguyên đơn, người yêu cầu được lựa chọn nhiều Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự (ví dụ Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản- điều 36 khoản 1 điểm a BLTTDS) thì khi nhận đơn khởi kiện, đơn yêu cầu Tòa án phải giải thích cho họ biết là chỉ có một Tòa án trong các Tòa án được điều luật quy định mới có thẩm quyền vụ việc dân sự để họ lựa chọn và phải yêu cầu người khởi kiện, người yêu cầu cam kết trong đơn khởi kiện hoặc trong đơn yêu cầu không khởi kiện hoặc yêu cầu tại các Tòa án khác. Trong trường hợp người khởi kiện, người yêu cầu nộp đơn khởi kiện hay đơn yêu cầu tại nhiều Tòa án khác nhau được điều luật quy định thì Tòa án đã thụ lý đầu tiên theo thời gian có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự; các Tòa án khác nếu chưa thụ lý thì căn cứ vào điều 168 khoản 1 điểm e BLTTDS trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu; nếu đã thụ lý thì căn cứ vào điều 168 khoản 1 điểm e , điều 192 khoản 2 BLTTDS ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc dân sự, xóa tên vụ việc dân sự đó trong sổ thụ lý và trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu cùng tài liệu, chứng cứ kèm theo cho đương sự. Nếu đương sự đã nộp tiền tạm ứng án phí thì Tòa án căn cứ vào điều 193 khoản 3 BLTTDS trả lại tiền tạm ứng án phí cho người đã nộp.
Compétence territoriale : thẩm quyền theo lãnh thổ, thẩm quyền quản hạt.
Thẩm quyền theo lãnh thổ là loại thẩm quyền liên quan đến việc Tòa án ở đâu sẽ có quyền xét xử vụ tranh chấp. Điều 35* BLTTDS quy định thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ như sau:
1. Đối với vụ án dân sự thẩm quyền giải quyết thuộc về:
a/ Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 25*, 27, 29 và 31* của Bộ luật này;
b/ Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 25*, 27, 29 và 31* của Bộ luật này;
c/ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp về bất động sản.
2. Đối với việc dân sự thẩm quyền giải quyết thuộc về:
a/ Tòa án nơi người bị yêu cầu tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
b/ Tòa án nơi người bị yêu cầu thông báo tìm kiếm vắng mặt tại nơi cư trú, bị yêu cầu tuyên bố mất tích hoặc là đã chết có nơi cư trú cuối cùng có thẩm quyền giải quyết yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú và quản lý tài sản của người đó, yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết;
c/ Tòa án đã ra quyết định tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết có thẩm quyền giải quyết yêu cầu hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích hoặc là đã chết;
d/ Tòa án nơi người phải thi hành bản án, quyết định dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của Tòa án nước ngoài cư trú, làm việc, nếu người phải thi hành án là cá nhân hoặc nơi người phải thi hành án có trụ sở, nếu người phải thi hành án là cơ quan, tổ chức hoặc nơi có tài sản liên quan đến việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của Tòa án nước ngoài;
đ/ Tòa án nơi người gửi đơn cư trú, làm việc, nếu người gửi đơn là cá nhân hoặc nơi người gửi đơn có trụ sở, nếu người gửi đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết yêu cầu không công nhận bản án, quyết định dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của Tòa án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam;
e/ Tòa án nơi người phải thi hành quyết định của Trọng tài nước ngoài cư trú, làm việc, nếu người phải thi hành là cá nhân hoặc nơi người phải thi hành có trụ sở, nếu người phải thi hành là cơ quan, tổ chức hoặc nơi có tài sản liên quan đến việc thi hành quyết định của Trọng tài nước ngoài có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài;
g/ Tòa án nơi việc đăng ký kết hôn trái pháp luật được thực hiện có thẩm quyền giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật;
h/ Tòa án nơi một trong các bên thuận tình ly hôn, nuôi con, chia tài sản khi ly hôn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, nuôi con, chia tài sản khi ly hôn;
i/ Tòa án nơi một trong các bên thỏa thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận sự thỏa thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn;
k/ Tòa án nơi cha hoặc mẹ của con chưa thành niên cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên hoặc quyền thăm nom con sau khi ly hôn;
l/ Tòa án nơi cha, mẹ nuôi hoặc con nuôi cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi;
m/ Tòa án nơi Phòng công chứng, Văn phòng công chứng đã thực hiện việc công chứng có trụ sở có thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu;
n/ Tòa án nơi Cơ quan thi hành án có thẩm quyền thi hành án có trụ sở hoặc nơi có tài sản liên quan đến việc thi hành án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, phân chia tài sản chung để thi hành án theo quy định của pháp luật;
o/ Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ giải quyết các yêu cầu liên quan đến việc Trọng tài thương mại Việt Nam giải quyết các vụ tranh chấp được thực hiện theo quy định của pháp luật về Trọng tài thương mại.
Về thẩm quyền giải quyết theo lãnh thổ Luật tố tụng của Pháp tại điều 47 có đưa ra một ngoại lệ theo đó “Khi vị Thẩm phán hoặc nhân viên tư pháp bổ trợ- xem Auxiliaire de justice (tập II) là đương sự trong một vụ tranh chấp thuộc thẩm quyền của Tòa án nơi người này thực hiện chức trách thì nguyên đơn có thể khởi kiện trước một Tòa án lân cận- xem Privilège de juridiction (tập II).

Luật sư TÔN THẤT QUỲNH BẰNG

About luatsuquynhbang

Nghề Luật là người tình ...đã trót thương là nghiệp ...đã trót mang
Bài này đã được đăng trong Uncategorized. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Bình luận về bài viết này