CÔNG TY CỔ PHẦN

Tổng quát
132._ Luật viết Việt Nam không đưa ra một định nghĩa chính thức về công ty cổ phần (Société par actions) mà hình như chỉ liệt kê những đặc điểm riêng biệt được xem như là những dấu hiệu của loại công ty này ngoài những đặc điểm chung của bất cứ loại hình công ty nào mà chúng ta đã có dịp đề cập trong chương thứ nhất. Những đặc điểm riêng biệt này được ghi nhận như sau1:
– Vốn điều lệ của công ty được chia thành nhiều cổ phần (Action) bằng nhau;
– Các thành viên của công ty được gọi là cổ đông (Actionnaire). Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân. Số lượng cổ đông tối thiểu là ba2 và số lượng tối đa không bị hạn chế;
– Cổ đông được hưởng cổ tức3 tương ứng với số cổ phần sở hữu;
– Cổ đông chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty chỉ trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;
– Về nguyên tắc cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác ngoại trừ những trường hợp luật cấm4. Bất cứ lúc nào cổ đông cũng có thể đẩy rủi ro sang cho người khác mà không lo sợ tiền của mình bị “đóng băng” trong công ty cho đến khi công ty giải thể, nhờ vậy cổ đông có thể đa dạng hóa vốn đầu tư của họ5;
– Công ty cổ phần có quyền phát hành chứng khoán6 các loại để huy động vốn.¬ Và cũng là loại hình công ty duy nhất có được quyền này;
– Công ty cổ phần có quyền phát hành các loại trái phiếu7 (Titre de créance) theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty ngoại trừ một số trường hợp luật không cho phép8;
– Có sự tách bạch giữa quyền sở hữu và quản lý; các cổ đông không nhất thiết phải tham gia vaò việc quản lý, điều hành công ty;
– Công ty cổ phần là một trong loại hình công ty cơ bản tồn tại trên thị trường và nhất là để niêm yết trên thị trường chứng khoán9.

133._ Công ty cổ phần được xếp vào loại công ty đối vốn vì sự hình thành và phát triển của loại công ty này chủ yếu dựa vào vốn góp của các cổ đông mà không phải dựa vào sự quen biết hay tín nhiệm giữa các thành viên dù rằng thành tố vốn luôn luôn là thành tố quan trọng và cơ bản của mọi loại hình công ty. Khi tham gia công ty cổ phần các cổ đông không quan tâm đến nhân thân của các cổ đông khác mà chỉ quan tâm đến thành quả đã có thể hiện bởi kết quả kinh doanh vì chính thành quả này đã tác động đến quyết định đầu tư cũng như số vốn đầu tư của thành viên liên quan. Một mặt, nhờ cấu trúc tổ chức và điều hành linh hoạt mà ta sẽ có dịp đi sâu ở phần kế tiếp, phạm vi kinh doanh của công ty cổ phần dễ dàng được mở rộng nhờ khả năng thu hút nguồn vốn của các cổ đông bằng việc phát hành trái phiếu. Mặt khác với nhiều loại cổ phần (cổ phần ưu đãi, cổ phần phổ thông) cùng các quyền và mức độ khác nhau của các loại cổ đông cũng cho phép công ty cổ phần được cấu trúc phần vốn linh hoạt phù hợp với khả năng cùng yêu cầu phát triển và quản lý của công ty10. Chính vì hoạt động của công ty chủ yếu dựa trên phần vốn góp của các cổ đông không có các quan hệ thân thiết nên sự tồn tại và phát triển của công ty cổ phần không lệ thuộc vào nhân thân của các cổ đông trái hẳn với loại công ty đối nhân mà ta đã có dịp đề cập. Tuy nhiên trong mối quan hệ giữa “người góp vốn/cổ đông” và “người sử dụng vốn/Ban giám đốc điều hành” thường có sự phân hoá trong vấn đề nhận thức, quản lý điều hành nguồn vốn nên nhà làm luật đã can thiệp vào mối quan hệ này bằng cách đưa ra những ràng buộc chặt chẽ về mặt tổ chức, quản lý đối với loại công ty này. Mục đích của sự can thiệp này là để bảo vệ lợi ích cho “người góp vốn” tránh/hạn chế tình trạng nguồn vốn góp bị “người sử dụng vốn” lạm dụng hay sử dụng không hiệu quả.

Lịch sử hình thành
134._ Về mặt lịch sử hình thành, công ty cổ phần ra đời sau các loại công ty đối nhân nhưng là hình thức đầu tiên của loại hình công ty đối vốn. Khác với sự ra đời của hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn- là sản phẩm của các nhà lập pháp xuất phát từ nhu cầu của thực tiễn kinh doanh, công ty cổ phần được hình thành trong hoạt động kinh doanh và do nhu cầu của các nhà kinh doanh rồi sau đó mới được pháp luật thừa nhận và được hoàn thiện thành một chế định pháp lý. Chẳng hạn ở Anh, Luật công ty được ban hành lần đầu tiên năm 1844 nhưng trước đó hơn 100 năm đã có sự xuất hiện của các công ty cổ phần; chỉ đến năm 1856 nước Anh mới có Luật về công ty cổ phần11. Tại Pháp, cụm từ công ty cổ phần được sử dụng chung để ám chỉ các loại công ty trong đó vốn điều lệ của công ty được chia thành từng phần nhỏ đồng giá nhau và bao gồm nhiều loại hình12 trong đó công ty vô danh (Société anonyme- SA) là loại hình công ty tương ứng như công ty cổ phần theo Luật doanh nghiệp Việt Nam. Sở dĩ người Pháp gọi là công ty vô danh bởi trong tên riêng của công ty không được nêu tên riêng của một thành viên nào của công ty như ở tên riêng của loại hình công ty hợp danh13. Trong bối cảnh kinh tế ngày nay, công ty cổ phần được xem là phương thức phát triển cao nhất của loài người để huy động vốn cho kinh doanh.
__________________________________

1 Điều 77 LDN.
2 Sẽ không có một ngoại lệ nào cho số lượng cổ đông tối thiểu; điều 157.1.c quy định công ty sẽ bị giải thể nếu không đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật doanh nghiệp trong thời hạn sáu tháng liên tục. Tuy nhiên đối với các Ngân hàng thương mại cổ phần Thông tư số 09/2010/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.lại bắt buộc số cổ đông tham gia góp vốn thành lập ngân hàng tối thiểu phải là 100 cổ đông chứ không phải là 3 như LDN quy định trong đó có tối thiểu 03 cổ đông sáng lập là tổ chức có tư cách pháp nhân đáp ứng đủ điều kiện luật định- điều 5.2
3 Cổ tức là một phần lợi nhuận sau thuế được chia cho các cổ đông của một công ty cổ phần. Cổ tức có thể được trả bằng tiền hoặc bằng cổ phiếu.
4 Điều 81.3 LDN không cho phép cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi chuyển nhượng cổ phần cho người khác; điều 84.5 LDN quy định “Trong thời hạn ba năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho cổ đông sáng lập khác, nhưng chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông”.
5 Bảo vệ cổ đông thiểu số trong công ty cổ phần ở Việt nam- Đỗ Thái Hán- http://dl.vnu.edu.vn/bitstream/11126/894/1/00050001482.pdf
6 Điều 6.1 Luật chứng khoán “Chứng khoán là bằng chứng xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với tài sản hoặc phần vốn của tổ chức phát hành. Chứng khoán được thể hiện bằng hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử”.
7 Trái phiếu là một loại chứng khoán quy định nghĩa vụ của người phát hành (người vay tiền) phải trả cho người nắm giữ chứng khoán (người cho vay) một khoản tiền xác định, thường là trong những khoảng thời gian cụ thể, và phải hoàn trả khoản cho vay ban đầu khi nó đáo hạn. Một trái phiếu thường có 3 thành tố: mệnh giá, lãi suất định kỳ và thời hạn-http://ketoanthucte.edu.vn/thuat-ngu-ke-toan/112-trai-phieu-la-gi.html
So với cổ phiếu do công ty cổ phần phát hành, trái phiếu có 3 đặc điểm cơ bản sau: 1.Người mua trái phiếu là người cho vay tiền và là chủ nợ của chủ thể phát hành trái phiếu khác với người mua cổ phiếu là người chủ sở hữu công ty. 2. Thu nhập của trái phiếu là tiền lãi, là khoản thu cố định không phụ thuộc vào kết quả sản xuất kinh doanh của công ty.3. Trái phiếu là chứng khoán nợ, vì vậy khi Công ty bị giải thể hoặc phá sản thì trước hết Công ty phải có nghĩa vụ thanh toán cho các Chủ trái phiếu trước, sau đó mới chia cho các Cổ đông. Với những đặc điểm trên, trái phiếu có tính ổn định và chứa đựng ít rủi ro hơn cổ phiếu. Vì vậy, trái phiếu là loại chứng khoán được các nhà đầu tư ưa chuộng-http://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%C3%A1i_phi%E1%BA%BFu
8 Điều 88 LDN.
9 Thị trường chứng khoán là lĩnh vực phong phú, đa dạng và rất phức tạp; là nơi mua bán các chứng khoán và thường được thực hiện chủ yếu tại sở giao dịch chứng khoán, một phần ở các công ty môi giới (công ty chứng khoán) và cả ở thị trường chợ đen. Về mặt hình thức, thị trường chứng khoán chỉ là nơi diễn ra các hoạt động trao đổi, mua bán, chuyển nhượng các loại chứng khoán; qua đó
thay đổi chủ thể nắm giữ chứng khoán- http://vi.wikipedia.org/wiki/Th%E1%BB%8B_tr%C6%B0%E1%BB%9Dng_ch%E1%BB%A9ng_kho%C3%A1n
10 Quy định pháp luật về công ty cổ phần- Trần Văn Trí- http://saga.vn/Luatkinhdoanh/luattrongnuoc/19402.saga
11 Lịch sử hình thành và phát triển Công ty cổ phần trên thế giới và ở Việt Nam- Từ Thảo- http://thongtinphapluatdansu.edu.vn/2010/05/03/4791/
12 http://fr.wikipedia.org/wiki/Soci%C3%A9t%C3%A9_par_actions
Tại Pháp, cụm từ Société par action được sử dụng để ám chỉ các công ty có tính đối vốn trong đó các cổ đông góp vốn theo hình thức đóng cổ phần. Trong nhóm này có thể kể:
– Công ty vô danh (Action anonyme- SA) mà mô hình tổ chức điều hành tương đương với công ty cổ phần theo Luật doanh nghiệp Việt Nam;
– Công ty hợp vốn cổ phần (Société en commandite par actions- SCA) trong đó có hai loại thành viên: các thành viên góp vốn có quy chế như thành viên công ty hợp danh và các thành viên góp vốn cổ phần có quy chế như các cổ đông ở các công ty vô danh.
13 Luật thương mại Việt Nam dẫn giải- Tập II- Lê Tài Triển- Sđd, tr.698.

About luatsuquynhbang

Nghề Luật là người tình ...đã trót thương là nghiệp ...đã trót mang
Bài này đã được đăng trong Uncategorized. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Bình luận về bài viết này